Dẹp Phương Lạp Đồng_Quán

Bài chi tiết: Phương Lạp

Để lấy lòng Tống Huy Tông ham thích những cây cỏ lạ, đá quý, Đồng Quán sai thủ hạ là Chu Miễn thành lập Ứng phụng cục (Cục cung ứng phục vụ hoàng đế) chuyên đi tìm kiếm, cướp bóc những thứ quý lạ trong dân gian như ngà voi, sừng tê, cây cảnh quý, đá quý… từ Giang Nam và huy động hàng ngàn phu làm việc chuyên chở về Biện Kinh dâng vua. Đội quân Chu Miễn đã gây ra nhiều cảnh cướp bóc tàn bạo khiến dân Giang Nam rất oán hận[9][10].

Năm 1120, tại Giang Nam nổ ra cuộc khởi nghĩa Phương Lạp. Phương Lạp nhanh chóng phát triển lực lượng, thành lập chính quyền nông dân tại 6 châu 52 huyện thuộc 4 tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, An HuyGiang Tây hiện nay.

Tống Huy Tông vội hạ lệnh bãi bỏ việc tìm hoa thạch cương để bớt sự bất bình của dân chúng[9], rồi cử Đồng Quán giữ chức Tuyên phù sứ Giang, Triết, Hoài Nam, làm tổng chỉ huy cùng Đàm Trinh cầm 15 vạn cấm quân cùng quân từ các vùng Tần, Tấn, Phiên, Hán đi đánh Phương Lạp[7][11].

Tháng giêng năm 1121, Đồng Quán kéo đến giải vây cho Tú châu, trong ngoài cùng tướng giữ thành là Vương Tử Vũ giáp công đánh tướng nổi dậy là Phương Thất Phật thua to. Quân Tống giết chết 9.000 quân nổi dậy. Phương Lạp rút về cố thủ ở Hàng châu.

Tháng 2 năm 1121, quân tiên phong do đích thân Đồng Quán và Trạch Chân chỉ huy kéo đến bờ sông Thanh Hà, hai cánh quân áp sát lại giáp công. Phương Lạp thua to, phải bỏ chạy[12]. Không lâu sau, các tướng Tống là Lưu Đình Khánh, Vương Ly, Vương Hoán, Dương Hoài Trung, Tân Hưng Tông lần lượt kéo đến hợp sức, lần lượt chiếm lại các thành trì từ tay Phương Lạp.

Tháng 4 năm 1121, Phương Lạp bị bắt sống cùng vợ con và 52 tướng. Sang tháng 3 năm 1122, Đồng Quán dẹp nốt được lực lượng còn sót lại của Phương Lạp, hoàn toàn bình định Giang Nam. Nhờ công dẹp Phương Lạp, Đồng Quán được phong làm Thái sư, đổi đất phong đến nước Sở[12].